Một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí trong trồng, chăm sóc cây lan Kiếm Xanh Huế


Đề tài tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X năm 2020

MÔ TẢ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT

“Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí trong trồng, chăm sóc lan Kiếm Xanh Huế tại vườn ươm Thiên An - Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong

 

  1.  Giới thiệu đề tài
  1.  Tính cấp thiết của đề tài

Trong thế giới các loài hoa, hoa lan là một trong những loài hoa đẹp nhất. Hoa lan được coi là loài hoa tinh khiết, hoa vương giả cao sang, là vua của các loài hoa. Hoa lan không chỉ là một loài hoa có vẻ đẹp rực rỡ về màu sắc, mà còn đẹp cả về hình dáng, đường nét cánh hoa tao nhã, đến những hình dáng thân, lá, cành duyên dáng, ít có loài hoa nào sánh bằng. Chính vì thế, hoa lan không chỉ chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần của con người mà chúng còn trở thành một mặt hàng mang lại nguồn thu lớn.

Hoa lan trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là được nhập về từ Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…. Điều đó cho thấy, sản xuất hoa lan ở Việt Nam chưa đáp ứng hết được nhu cầu của thị trường. Cụ thể là, chủng loại hoa chưa đa dạng, kỹ thuật trồng hoa còn yếu nên năng suất và chất lượng chưa cao. Nếu phát triển hoa lan hợp lý, đồng bộ, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, đủ sản phẩm cho tiêu thụ tại chỗ mà còn góp phần nhân duy trì và nhân giống các loài lan quý hiếm hiện có tại Việt Nam.

Đất nước ta là một trong hai khu vực xuất phát các loài lan quý trên thế giới. Do vị trí địa lý mà khí hậu, ẩm độ, nhiệt độ và cường độ ánh sáng của nước ta rất thích hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của cây lan, Thừa Thiên Huế cũng là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên để phát triển ngành trồng lan. Đặc biệt, lan Kiếm Xanh Huế là một loài lan rất được ưa chuộng trong giới chơi lan hiện nay, có lẽ bởi vì loài lan này có giá trị kinh tế tương đối cao.Ngoài ra, một đặc điểm khác cũng khiến cho giới chơi lan rất thích thú với loại lan này là hoa lan Kiếm Xanh Huế có mùi hương thơm dịu thanh thoát, hoa nở thường xuyên quanh năm, cần hoa rủ duyên dáng tương đối dày và dài hoa. Trong quá trình điều tra và nuôi trồng thử nghiệm các loại lan tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận thấy lan Kiếm Xanh Huế có khả năng phát triển thuận lợi về điều kiện tự nhiên, tuy nhiên việc phát triển lan tại tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều khó khăn: chưa có đơn vị chuyên sâu nghiên cứu phong lan, chưa cung cấp được nguồn lan tại chỗ, kỹ thuật chăm sóc còn yếu kém, chưa quan tâm nhiều đến phân bón và giá thể, đặc biệt là rất khó khăn trong khâu nhân giống và chăm sóc, do đó tỷ lệ sống, sinh trưởng phát triển còn thấp ở thời kỳ vườn ươm.

Thời gian gần đây, phong trào chơi lan phát triển mạnh cho nên những giá thể để trồng loại lan rừng này đặc biệt là vỏ thông cũng được người chơi ráo riết săn tìm vì đặc tính giữ ẩm lâu và có nhiều chất dinh dưỡng. Việc khai thác vỏ thông quá mức vào phần tươi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng khai thác vỏ thông trái phép. Để ngăn chặn tận gốc việc khai thác vỏ thông trái phép thì bên cạnh nhiều giải pháp của chính quyền cần có sự tham gia của các giải pháp kỹ thuật tạo ra những giá thể trồng lan chất lượng tốt thay thế cho vỏ thông.

Nhận thấy rằng, để trồng và chăm sóc lan Kiếm Xanh Huế thành công, điều quan trọng trước hết là phải có những hiểu biết đầy đủ về những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến sức sống và sinh trưởng của cây con trong giai đoạn vườn ươm. Ở đây độ tàn che (ánh sáng), phân bón và giá thể là những nhân tố được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, để hạ thấp giá thành cây lan, chúng ta còn phải quan tâm đến tối ưu hóa quy trình, tối thiểu hóa chi phí và nhiều vấn đề khác. Do vậy, việc kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có và tiếp tục đi sâu nghiên cứu một số biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí trong trồng, chăm sóc lan Kiếm Xanh Huế là hết sức cần thiết trong thực tiễn sản xuất.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, cũng như những giá trị tiềm năng có thể mang lại trong tương lai, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí trong trồng, chăm sóc lan Kiếm Xanh Huế tại vườn ươm Thiên An - Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phongnhằm mục đích bảo tồn và nhân giống loài lan quý này ngày một phổ biến hơn trên thị trường.

Giải quyết tốt đề tài này đưa lại nhiều ý nghĩa khác nhau. Về khoa học, đề tài góp phần làm rõ đặc tính sinh thái tái sinh (tự nhiên, nhân tạo) của Kiếm Xanh Huế. Về thực tiễn, đề tài cung cấp một số căn cứ để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Kiếm Xanh Huế nhằm đạt chất lượng cao, giá thành được thị trường chấp nhận, đồng thời bảo tồn được lan Kiếm Xanh Huế ở Việt Nam.

  1. Tóm tắt nội dung
  1.  Mục tiêu nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài gồm:

Nghiên cứu loại giá thể phù hợp giúp cây lan Kiếm xanh Huế sinh trưởng phát triển tốt nhưng giá thành rẻ để nâng cao chất lượng và giảm chi phí trong sản xuất.

Nghiên cứu nồng độ phân bón thích hợp cho cây giúp cây xinh trưởng phát triển tốt.

Nghiên cứu việc kết hợp các loại phân bón để nâng cao năng suất cây trồng, giảm thời gian chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế.

  1.  Các nội dung nghiên cứu.

Nghiên cứu ảnh hưởng của 3 loại giá thể là Vỏ đậu phụng( vỏ lạc), vỏ thông New Zeland và dớn Chile đến sinh trưởng phát triển của cây Kiếm xanh Huế.

Nghiên cứu nồng độ phân bón NPK 33-11-11 thích hợp để cây hấp thu và phát triển tốt nhất.

Nghiên cứu sự kết hợp các loại phân bón để rút ngắn thời gian chăm sóc, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

  1.  Kết quả nghiên cứu.
    1.  Về giá thể trồng, Cây lan Kiếm Xanh Huế giai đoạn cây mầm được trồng với giá thể vỏ đậu phộng có sự tăng trưởng tốt về cả 4 chỉ tiêu tăng trưởng: chiều dài lá ngọn, chiều dài rễ, số lượng lá và đường kính gốc. Lí do lan Kiếm Xanh Huế giai đoạn cây mầm hệ rễ còn khá yếu rất cần một loại giá thể có độ thông thoáng và giữ ẩm tốt, bản thân loại giá thể đó lại có thể mang lại chất dinh dưỡng cho cây lan, giúp cho hệ rễ có thể phát triển một cách toàn diện. Cho nên, vỏ đậu phộng là loại giá thể thích hợp nhất đối với 3 loại giá thể trong thí nghiệm này. Bên cạnh đó, giá thể vỏ thông New Zealand cũng là một loại giá thể có độ thông thoáng cao nhưng khả năng giữ ẩm lại kém. Cuối cùng, giá thể dớn Chile mặc dù có khả năng giữ nước và phân rất tốt nhưng việc đó lại làm cho độ thông thoáng trong bầu cây bị giảm đi khiến hệ rễ nói riêng và các bộ phận khác nói chung chậm phát triển hơn so với hai loại giá thể khác trong thí nghiệm. Sử dụng giá thể vỏ đậu phộng trong nuôi trồng lan Kiếm Xanh Huế vừa đảm bảo cho lan Kiếm Xanh Huế phát triển tốt, vừa có ý nghĩa trong việc tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp, vừa có ý nghĩa trong tăng hiệu quả sản xuất, giảm tác động tới môi trường. Giá thể vỏ đậu phộng cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giá thể còn lại hơn 1 triệu đồng/1.000 cây
    2. Về nồng độ phân bón NPK 33-11-11: nồng độ phân bón lá vô cơ NPK 33-11-11 Growmore khác nhau có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng, công thức phân bón NPK 33-11-11 Growmore 0,5g/l cho kết quả tốt nhất. Để cây lan sinh trưởng và phát triển tốt, cho cây có chất lượng cao, đặc biệt là trong sản xuất quy mô công nghiệp, việc bổ sung chất dinh dưỡng cho lan là cần thiết. Trong thực tế sản xuất có rất nhiều cách để bổ sung chất dinh dưỡng cho lan, tuy nhiên hầu hết các loại lan công nghiệp nói chung và lan Kiếm Xanh Huế nói riêng đều không chịu được nồng độ dinh dưỡng quá cao

c. Về việc kết hợp các loại phân bón để nâng cao năng xuất giảm thời gian chăm sóc tăng hiệu quả kinh tế thì qua kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster kết hợp với phân bón NPK 33-11-11 Growmore cho sinh trưởng của cây Kiếm Xanh Huế là tốt nhất. Điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ cây xuất vườn 3 tháng tuổi. Có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế khi sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster kết hợp với phân bón NPK 31-11-11 Growmore

  1.  Tính mới và sáng tạo
    1.  Tính mới: tìm được nguồn giá thể là nguyên liệu thân thiện môi trường, giá thành rẻ, là tận dụng phế phẩm sau nông nghiệp. Có thể áp dụng mở rộng sau này để nâng cao năng suất và hạn chế việc khai thác vỏ thông hiện nay. Bên cạnh đó tìm được phương pháp sử dụng phân bón hiệu quả, không dư thừa, tạo hiệu quả sản xuất.

b. Tính sáng tạo: đưa ra được các phương pháp thí nghiệm để đánh giá đúng thực tế các vấn đề trong sản xuất. Nâng cao chất lượng cây ra vườn, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn

  1.  Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật – xã hội
    1.  Hiệu quả kinh tế

Về việc sử dụng giá thể: qua kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng 3 loại giá thể: dớn Chile, vỏ thông New Zealand, vỏ đậu phộng thì giá thể vỏ đậu phộng cho sinh trưởng của cây Kiếm Xanh Huế là tốt nhất. Tuy nhiên, vì sự chênh lệch về sinh trưởng không lớn lắm nên ít ảnh hưởng đến tỷ lệ cây xuất vườn 3 tháng tuổi. Có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế khi sử dụng 3 loại giá thể: dớn Chile, vỏ thông New Zealand, vỏ đậu phộng là khi sử giá thể vỏ đậu phộng cho lãi hơn 1.000.000 đồng so với sử dụng dớn Chile, vỏ thông NewZealand. Điều đó chứng tỏ việc sử dụng giá thể vỏ đậu phụng đem lại hiệu quả kinh tế cho sản xuất. Hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên khi kết hợp với việc sử dụng phân bón ở công thức tối ưu và sản xuất lan Kiếm Xanh Huế ở quy mô lớn.

Về vấn đề kết hợp các loại phân bón: qua kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster kết hợp với phân bón NPK 31-11-11 Growmore cho sinh trưởng của cây Kiếm Xanh Huế là tốt nhất. Điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ cây xuất vườn 3 tháng tuổi. Có thể thấy rõ hiệu quả kinh tế khi sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster kết hợp với phân bón NPK 33-11-11 Growmore tạo ra lãi: 5.564.000 đồng cho lãi gần gấp 3 khi sủ dụng phân NPK 33-11-11 Growmore (lãi:1.268.000 đồng), gấp 2 khi sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster(lãi: 2.143.000 đồng). Điều đó chứng tỏ việc sử dụng phân cá hữu cơ CropMaster kết hợp với phân bón NPK 33-11-11 Growmore đem lại hiệu quả kinh tế cho sản xuất. Hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên khi sản xuất lan Kiếm Xanh Huế ở quy mô lớn.

  1. Hiệu quả kỹ thuật: Rút ngắn được thời gian chăm sóc tại vườn, sau 3 tháng cây đạt được các chỉ tiêu xuất vườn, cây đươc chăm sóc theo hướng bền vững nên đảm bảo tỷ lệ sống khi đến tay người mua.
  2. Hiệu quả xã hội, môi trường: Giảm bớt việc nhập các nguồn nguyên liệu giá thể có giá thành đắt đỏ, giảm chi phí cho các nhà vườn sản xuất. Hạn chế được việc khai thác vỏ thông tràn lan như hiện nay. Áp dụng phụ phẩm nông nghiệp vào sx mang tính xã hội lớn.

      6. Khả năng áp dụng:

Đề tài nghiên cứu đã đưa ra được các số liệu cụ thể về sinh trưởng phát triển của cây lan đồng thời đánh giá được tác động kinh tế, xã hội, đảm bảo việc sản xuất, mang lại hiểu quả kinh tế trong sản xuất quy mô lớn nên có khả năng áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước.

Các bài viết khác: