Dự án: “Tuyển chọn cây trội và một số biện pháp kỹ thuật nhân giống thông Caribê tại tỉnh Thừa Thiên Huế ”

Thông caribê (Pinus caribaea) là loài cây nguyên sản vùng Trung Mỹ, gồm có 3 loài phụ là pinus caribaea var. Hondurensis ở Honduras, Pinus caribaea var. caribaea ở Cuba và Pinus caribaea var. bahamensis ở quần đảo Bahamas. Thông caribê là một loại cây gỗ lá kim có kích thước lớn, cây có thể cao 45 m và đường kính thân từ 60 – 70 cm, thân tròn và thẳng. Gỗ thông được chế biến làm ván sàn, ván ghép và sản xuất bột giấy, nhựa thông caribê có chất lượng cao. Đây là loài có biên độ sinh thái rộng, được trồng hơn 100 quốc gia và nhiều nước đã di thực thành công loài thông này.

Ở Việt Nam, thông caribê được trồng thử nghiệm lần đầu tiên ở Lâm Đồng (1963) và sau đó được trồng ở nhiều nơi như (Đại Lải – Vĩnh Phúc, Đông Hà – Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Gia Lai…), loài thông này có khả năng chống chịu được sâu bệnh và sinh trưởng nhanh trên hầu hết các lập địa khác nhau. Đối với rừng sản xuất từ cây giống có chất lượng tốt, các chuyên gia ước tính 1 ha thông caribê có thể cho thu tới 1 tỷ đồng.

          Thông caribê được trồng ở Lâm trường Tiền Phong (mà nay là Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong) từ năm 1979 với diện tích 18 ha. Tại đây thông caribê không những sinh trưởng vượt bậc gấp 1,5 – 2,5 lần so với thông nhựa mà còn không có hiện tượng đuôi chồn cũng như không bị các loài sâu đục ngọn phá hoại. Đặc biệt trong khi ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thông caribê không kết trái thì ở Thừa Thiên Huế loài thông này đã ra hoa và nón; năm 1993 Công ty LN Tiền Phong đã thu hái được 5 kg hạt giống đầu tiên và tiếp tục nhân giống phát triển loài cây này.

          Ngày nay, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, kinh tế lâm nghiệp được chú trọng, trồng rừng mà đặc biệt là trồng cây gỗ lâu năm là hướng đi chính của nghành lâm nghiệp Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới để chống lại thiên tai, biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của loài người.

          Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong có đầy đủ các nguồn lực để thực hiện dự án. Với những lợi thế về điều kiện lập địa, các kỹ sư lâm nghiệp có kiến thức và tay nghề cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại (nhà nuôi cấy mô – công nghệ châu Âu) việc nghiên cứu công nghệ tiên tiến nhân giống thử nghiệm thông caribê và áp dụng vào trồng rừng sản xuất không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm phong phú thành phần loài cây trồng rừng của Tỉnh.

Các bài viết khác: